Người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tai nạn giao thông. Mặc dù, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 và Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã quy định mức xử phạt nghiêm khắc đối với người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn quá mức cho phép, thế nhưng các vi phạm về trật tự ATGT liên quan đến rượu, bia vẫn còn diễn ra và để lại những hậu quả nặng nề cho người tham gia giao thông.
Do không kiểm soát được nhận thức và hành vi bởi tác động của chất cồn trong cơ thể, người sử dụng rượu bia thường không làm chủ được tay lái, có xu hướng phóng nhanh, vượt ẩu, không chấp hành tín hiệu đèn và hay ngủ gật khi đang điều khiển phương tiện dễ dẫn đến người điều khiển tự gây tai nạn (do tông vào dải phân cách, gốc cây, trụ điện, các xe khác đang dừng đỗ…) hoặc gây tai nạn với các phương tiện khác. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến các thương tật nặng nề, cái chết đau lòng cho người tham gia giao thông.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 1.135 vụ TNGT, cùng với đó thông qua công tác TTKS – XLVP Phòng CSGT, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức kiểm tra và lập biên bản xử phạt trên 12.823 trường hợp vi phạm (trong đó có 364 trường hợp ô tô, 12.459 trường hợp là xe mô tô). Tuy nhiên, tình trạng người tham giao thông điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu bia vẫn thường hay diễn ra, đặc biệt là từ sau 18 giờ đến khoảng 05 giờ. Hầu hết các vụ va chạm giao thông và TNGT mà lực lượng CSGT phát hiện, xử lý có liên quan đến nồng độ cồn và chất kích thích, người điều khiển phương tiện thường có biểu hiện không tỉnh táo. Có những vụ TNGT mà người gây ra tai nạn say rượu đến mức không đứng nổi để thổi vào máy đo nồng độ cồn. Một số đối tượng còn quá khích, cự cãi, chống đối thậm chí tấn công, gây nguy hiểm cho cán bộ, chiến sĩ CSGT đang làm nhiệm vụ. Vì vậy, việc tăng cường tuần tra, phát hiện và xử phạt nghiêm đối với các hành vi này là hết sức cần thiết, nhằm hạn chế TNGT do bia, rượu, chất kích thích gây ra.
Trong thời gian tới, lực lượng CSGT TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục mở các đợt cao điểm tuần tra kiểm soát, tập trung theo chuyên đề kiểm tra, xử lý lái xe sau khi uống rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông; chú trọng thời điểm vào các buổi tối, ngày nghỉ, lễ, tết. Khi kiểm tra, phát hiện người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá quy định thì cương quyết đình chỉ phương tiện không cho lưu hành, lập biên bản vi phạm, tạm giữ phương tiện và xử phạt.
Để phòng tránh TNGT, người điều khiển phương tiện cần lưu ý không được sử dụng rượu bia hay bất kì chất kích thích nào khi tham gia giao thông. Theo quy định của pháp luật, người điều khiển phương tiện mà có nồng độ cồn trong cơ thể có thể bị xử phạt tối đa đến 8.000.000 đồng (đối với xe mô tô); đến 40.000.000 (đối với xe ô tô) và bị tước giấy phép lái xe đến 24 tháng, đồng thời phương tiện sẽ bị tạm giữ 07 ngày.
Đoàn Văn Quới