Ách tắc giao thông đang là nỗi bức xúc của người dân Hà Nội, đặc biệt trong những ngày gần đây, khi mật độ cung đường và thời gian bị ách tắc tăng lên. Nhiều vấn đề lớn hơn, thuộc tầm vĩ mô cần được giải quyết mới có thể mang lại hiệu quả. Báo CAND đã có bài "Chống ùn tắc giao thông ở Hà Nội: Bó tay?" phân tích khá rõ vấn đề trên qua ý kiến của Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh - Giám đốc Công an TP Hà Nội và đại diện một số đơn vị. Ngay khi bài báo ra, Báo CAND tiếp tục nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc xung quanh vấn đề trên, chứng tỏ sự quan tâm của dư luận trước một việc không còn của riêng ai. PV Báo CAND đã có các cuộc gặp gỡ và trao đổi với một số nhà quản lý, xin được chuyển tới bạn đọc. Ông Nguyễn Bình Lưu - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nhân dân quận Thanh Xuân, Hà Nội: Xây dựng đô thị mới với tầm nhìn 50 nămÔng Nguyễn Bình Lưu.
Ách tắc giao thông đang là vấn đề bức xúc của người dân Thủ đô nói chung và địa bàn quận Thanh Xuân nói riêng. Vì thế, cuộc tiếp xúc cử tri nào nội dung trên cũng được đặt ra.
Vấn đề khó nhất hiện nay của giao thông Hà Nội và không phải một sớm một chiều khắc phục được chính là cơ sở hạ tầng, vì muốn mở đường phải giải phóng mặt bằng, đồng nghĩa với di dân và kèm theo đó là nguồn kinh phí rất lớn. Giao thông Hà Nội được xây dựng từ hàng chục, thậm chí hàng trăm năm trước, nên chưa tính được lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông như hiện nay. Trong khi đó, xu thế đô thị hóa là tất yếu nên nhu cầu đi lại phát triển rất nhanh.
Thanh Xuân là địa bàn có 913 ha, nhưng có tới hơn 100 doanh nghiệp, trong đó, nhiều cơ sở sản xuất lớn như các nhà máy: Cao su Sao Vàng, Thuốc lá, Xà phòng, Bóng đèn - Phích nước Rạng Đông, Cơ khí v.v... thu hút khoảng 10.000 người.
Khối trường đại học trên địa bàn cũng có khoảng 10.000 người như thế hoạt động mỗi ngày, chưa kể làng sinh viên của các trường đại học khác không ở Thanh Xuân.
Quận nằm ở vị trí giáp ranh, có trục đường chính nối Hà Nội với Hà Đông, xung quanh có nhiều khu đô thị mới nên số lượng người tham gia giao thông càng đông. Trong khi đó, giao thông ở địa bàn chỉ có 4 trục chính, còn đa phần là đường làng, ngõ xóm, nên việc tắc đường xảy ra thường xuyên, nhiều khi kéo dài, đặc biệt là ngã tư Nguyễn Trãi - Thượng Đình, cây xăng Trường Chinh, ngã tư Vọng v.v...
Giải pháp tháo gỡ ách tắc giao thông, tôi cho rằng, về lâu dài, chỉ có xây dựng các khu đô thị mới với tầm nhìn xa 50 - 100 năm. Một biện pháp khả thi nữa là di chuyển các cơ sở thu hút đông người hoạt động ra khỏi khu phố cổ và phố cũ, như các doanh nghiệp và trường học. Đây là chủ trương Hà Nội đã có từ lâu, nhưng việc triển khai còn chậm chạp, nhất là khối trường học.
Riêng việc di chuyển bệnh viện, tôi nghĩ rằng cần phải xem xét vì bệnh viện phải luôn gắn liền với khu dân cư, liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, nên không thể tách xa.