Điều này đòi hỏi phải nâng cao ý thức người tham gia giao thông và người dân sinh sống dọc hai bên đường sắt, cũng như vai trò quản lý của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt nhằm góp phần kéo giảm TNGT.
Hơn 4.000 lối đi tự mở cần được xóa bỏ
Lối đi tự mở là đoạn đường bộ giao nhau với đường sắt do tổ chức, cá nhân tự xây dựng và khai thác khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Mặc dù Luật Đường sắt năm 2017 và các văn bản dưới Luật đã quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt (KCHTĐS) trong việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trong hoạt động đường sắt, bảo vệ KCHTĐS, trong đó có việc quản lý, giảm, xóa bỏ lối đi tự mở nhưng trong thời gian qua, hành lang an toàn giao thông (ATGT) đường sắt vẫn bị lấn chiếm. Theo thống kê của Cục Đường sắt Việt Nam, trên các tuyến đường sắt hiện có 5.558 vị trí giao cắt cùng mức giữa đường bộ và đường sắt, trong đó có tới 4.040 lối đi tự mở. Các lối đi tự mở đã và đang được các địa phương tăng cường các biện pháp bảo đảm ATGT, cụ thể là đã tổ chức cảnh giới được 242/428 vị trí (đạt 56,5%), thu hẹp bề rộng mặt đường 1.475/2.018 vị trí (đạt 73%), cắm biển Chú ý tàu hỏa tại 3.105/4.040 vị trí (đạt 76,8%), xây dựng gồ, gờ giảm tốc tại 624/1574 vị trí (đạt 39,6%).
Để xảy ra tình trạng trên là do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận dân cư sống dọc hai bên đường sắt và người tham gia giao thông chưa cao, nhận thức về pháp luật ATGT còn hạn chế, công tác tuyên truyền, hướng dẫn vận động nhân dân thực hiện pháp luật về đường sắt còn thấp. Một số địa phương cấp đất, xây nhà trong hành lang đường sắt, cấp đất dự án các khu đô thị sát dọc hành lang ATGT đường sắt hoặc giao đất cho các doanh nghiệp xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu dân cư dọc đường sắt nhưng không quy hoạch đường gom, cầu vượt, hầm chui, hàng rào, dẫn đến phát sinh các lối đi tự mở qua đường sắt. Ngoài ra việc chủ trì giải tỏa, cưỡng chế vi phạm hành lang, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt ở một số địa phương chưa được xử lý kịp thời. Tại một số lối đi tự mở, Công ty Cổ phần Đường sắt đã tổ chức thu hẹp, rào chắn và bàn giao cho địa phương quản lý theo quy chế phối hợp nhưng còn hiện tượng bị người dân tháo dỡ mà không được chính quyền địa phương ngăn chặn kịp thời. Kết quả phối hợp giữa một số đơn vị đường sắt khu vực thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam với chính quyền, các cơ quan chức năng của địa phương (cấp huyện, xã) thực hiện trách nhiệm theo quy chế phối hợp chưa cao. Một số Công ty Cổ phần Đường sắt khi phát hiện hành lang ATGT đường sắt bị xâm phạm đã không kịp thời báo cáo chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng để xử lý, ngăn chặn. Về phía Cục Đường sắt Việt Nam, do lực lượng công chức thanh tra chuyên ngành đường sắt tại các đầu mối mỏng, biên chế tại các đơn vị còn thiếu, trong khi phương tiện đi lại và thiết bị kỹ thuật chuyên dùng còn hạn chế, chưa được trang bị đồng bộ nên hiệu quả công tác chưa cao...
Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, những năm gần đây TNGT đường sắt đã được kiềm chế, giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương nhưng vẫn xảy ra các vụ nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, làm chết nhiều người, gây thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước và nhân dân. Chỉ tính năm 2020, toàn quốc đã xảy ra 177 vụ TNGT đường sắt, làm chết 80 người, bị thương 110 người, làm hỏng 19 ô tô, 33 mô tô, 08 xe đạp, xe đạp điện, 05 đầu máy,.... trong đó nguyên nhân do người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, người đi bộ qua lối đi tự mở chiếm 62,71% (111 vụ).
Cần giải pháp đồng bộ
Để kiềm chế, tiến tới làm giảm TNGT đường sắt một cách bền vững tại các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt, đặc biệt là tại các lối đi tự mở, các lực lượng chức năng, chính quyền, ban ATGT các cấp, nhất là cấp cơ sở, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông đường sắt, đặc biệt là quy tắc giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường sắt với đường bộ đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa bằng ô tô trên địa bàn và người dân; đồng thời, tuyên truyền về chủ trương, các biện pháp quản lý, thu hẹp, tiến tới xóa bỏ lối đi tự mở để mọi người, đặc biệt là người dân sống dọc hai bên đường sắt nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành. Các lực lượng chức năng (Công an, Thanh tra giao thông, Thanh tra chuyên ngành đường sắt,....) tăng cường phối hợp kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm phạm vi bảo vệ công trình, trật tự, ATGT đường sắt, đặc biệt tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt.
UBND cấp tỉnh có đường sắt đi qua, khi cấp đất cho chủ doanh nghiệp và người dân cần tính đến phương án đảm bảo ATGT theo quy định tại Nghị định số 56/2018/NĐ-CP, ngày 16/4/2018 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt; chủ trì tổ chức lập hồ sơ quản lý lối đi tự mở, lộ trình thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn tại các lối đi tự mở trên đường sắt trong phạm vi quản lý; tổ chức quản lý theo dõi các lối đi tự mở, kịp thời có biện pháp ngăn chặn các lối đi tự mở phát sinh. Trường hợp lối đi tự mở chưa được xóa, phải có biện pháp tăng cường đảm bảo ATGT, như: Tổ chức phân luồng giao thông cho các phương tiện qua lại lối đi tự mở nhằm giảm thiểu mật độ phương tiện qua lại đường sắt; thực hiện các biện pháp thu hẹp bề rộng lối đi tự mở; duy trì đầy đủ các biển cảnh báo tại lối đi tự mở theo quy định. Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện giảm số lượng, xóa bỏ lối đi tự mở, gồm: Cải tạo, nâng cấp các lối đi tự mở thành các vị trí đường sắt giao nhau với đường bộ phù hợp với quy hoạch liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; xây dựng đường gom kết hợp hàng rào bảo vệ để nối vào các đường ngang, các vị trí giao nhau khác mức nhằm giảm số lượng lối đi tự mở qua đường sắt. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, UBND cấp tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành giao thông vận tải đường sắt, doanh nghiệp kinh doanh KCHTĐS, chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng và các tổ chức liên quan; đồng thời, gắn trách nhiệm với người đứng đầu địa phương nơi có đường sắt đi qua trong việc thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công tác đảm bảo trật tự, ATGT đường sắt theo quy định; xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng phát sinh thêm lối đi tự mở, lấn chiếm hành lang hoặc tái lấn chiếm, sử dụng trái phép hành lang ATGT đường sắt.
Cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành giao thông vận tải đường sắt, phối hợp với UBND cấp tỉnh thực hiện các nội dung quản lý lối đi tự mở trên đường sắt quốc gia thuộc trách nhiệm của UBND cấp tỉnh; kiểm tra, đề xuất với UBND cấp tỉnh các biện pháp đảm bảo ATGT đường sắt tại các vị trí lối đi tự mở trên đường sắt quốc gia; kiểm tra, chỉ đạo doanh nghiệp kinh doanh KCHTĐS quốc gia thực hiện nhiệm vụ quản lý lối đi tự mở trên đường sắt quốc gia thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp. Ngoài ra, phối hợp với UBND các cấp, doanh nghiệp kinh doanh KCHTĐS thực hiện các biện pháp kiềm chế không phát sinh lối đi tự mở, thu hẹp, xóa bỏ lối đi tự mở trên các tuyến đường sắt quốc gia thuộc trách nhiệm của UBND cấp tỉnh.
Đối với doanh nghiệp kinh doanh KCHTĐS, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát hiện đất dành cho đường sắt bị xâm phạm phải kịp thời ngăn chặn và báo cáo, phối hợp với cơ quan thẩm quyền xử lý. Tổ chức bảo vệ trật tự, an toàn trong hoạt động đường sắt thuộc phạm vi quản lý của doanh nghiệp; chủ động phối hợp với lực lượng công an, UBND cấp tỉnh phòng ngừa, ngăn chặn và giải quyết theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật. Thực hiện huấn luyện nghiệp vụ cảnh giới, chốt gác và cung cấp trang thiết bị cho người do địa phương bố trí để cảnh giới, chốt gác tại các lối đi tự mở có vị trí nguy hiểm đối với ATGT đường sắt. Chủ trì, phối hợp với UBND các cấp lập hồ sơ quản lý, lộ trình thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn tại các lối đi tự mở trên đường sắt quốc gia khi được giao, cho thuê hoặc chuyển nhượng; quản lý hồ sơ, kiểm tra, cập nhật các lối đi tự mở trên đường sắt quốc gia để phục vụ quản lý; kịp thời phát hiện, báo cáo và phối hợp với UBND các cấp có biện pháp ngăn chặn lối đi tự mở phát sinh.
Nguyễn Thành Công