Bạn Đình Mong ở Thanh Hóa có hỏi: Xe bị trộm cắp gây tai nạn thì chủ xe có phải bồi thường thiệt hại không? Bởi vì tôi thấy rất nhiều trường hợp xe bị mất cắp, chủ xe không tìm lại được xe trong khi các giấy tờ về xe vẫn còn. Nếu chẳng may xe bị mất cắp rồi gây tai nạn thì có truy ra được chủ xe để đòi bồi thường không?
Ban biên tập xin trả lời như sau:
Thứ nhất, cần xác định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường:
Theo quy định của Bộ Luật dân sự, Điều 584 về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.
Như vậy căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại gồm:
- Có thiệt hại xảy ra
- Hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật
- Có lỗi của người gây ra thiệt hại
- Có mối liên hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật
Trong trường hợp trên nếu người điều khiển phương tiện gây tai nạn và lỗi do người điều khiển phương tiện thì người điều khiển phương tiện phải bồi thường.
Thứ hai, cần xác định chủ thể của việc bồi thường:
Điều 601 về Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra:
1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.
Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.
2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
3. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:
a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
4. Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.
Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
Điều 3 Nghị định 103/2008/NĐ-CP ngày 16/9/2008 về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới cũng xác định rất rõ “Chủ xe cơ giới” là chủ sở hữu xe cơ giới hoặc được chủ sở hữu xe cơ giới giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp, điều khiển xe cơ giới.
Như vậy, trong trường hợp bạn nêu, xe máy của bạn được xác định là “nguồn nguy hiểm cao độ”; xe bị mất cắp tức là bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại. Do đó bạn không phải là chủ thể thực hiện việc bồi thường thiệt hại.
Thứ ba, cần xác định quy định bồi thường thiệt hại của bảo hiểm TNDS:
Theo quy định tại nghị định 103/2008/NĐ-CP, Điều 11 về Huỷ bỏ hợp đồng bảo hiểm thì hợp đồng bảo hiểm được hủy bỏ trong những trường hợp sau:
- Xe cơ giới bị thu hồi đăng ký và biển số theo quy định của pháp luật;
- Xe cơ giới hết niên hạn sử dụng theo quy định của pháp luật;
- Xe cơ giới bị mất được cơ quan công an xác nhận;
- Xe cơ giới hỏng không sử dụng được hoặc bị phá hủy do tai nạn giao thông được cơ quan công an xác nhận; xe tạm nhập, tái xuất.
Như vậy dù bạn vẫn đang giữ giấy tờ của xe trong đó có bảo hiểm TNDS, tra cứu ra chủ xe thì bạn không phải bồi thường do xe bạn bị mất cắp; đồng thời hợp đồng bảo hiểm TNDS cũng sẽ bị hủy bỏ. Người chiếm hữu trái pháp luật xe của bạn chính là người phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Bạn Nguyễn Lê Khanh ở Bắc Giang hỏi: Ngày 15/11/2019 tôi có điều khiển xe mô tô vi phạm lỗi đi không đúng phần đường quy định, không có Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và bị CSGT Hà Nam lập biên bản và xử phạt 450.000 đồng. Đến ngày 12/01/2020 do không chú ý tôi lại vi phạm lỗi đi không đúng phần đường và vẫn chưa kịp mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự và bị CSGT Bắc Ninh lập biên bản, xử phạt số tiền là 650.000 đồng. Xin hỏi mức phạt của CSGT như trên có đúng không? Tôi xin cảm ơn!
Ban biên tập xin trả lời bạn như sau:
Tại Khoản 1 Điều 9 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định về quy tắc giao thông như sau:
Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ và phải mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Theo quy định trên thì người tham gia giao thông phải tuân thủ quy tắc giao thông đi đúng phần đường, làn đường quy định. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Với quy định của Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 quy định mức phạt đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy
- Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe đi không đúng phần đường quy định.
- Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.
Tuy nhiên, ngày 30/12/2019 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP thay thế cho Nghị định 46/2016/NĐ-CP và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Theo đó tại điểm g, khoản 3, Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định:
- Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe mô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy đi không đúng phần đường quy định.
- Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.
Như vậy, bạn điều khiển xe mô tô vi phạm hai lỗi trên thì mức phạt như trên là hoàn toàn đúng theo quy định. Mức phạt được tính là trung bình của khung hình phạt khi vi phạm giao thông nếu không có tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ.
Bạn Nguyễn Hoàng ở Lai Châu: Xin hỏi khi tham gia giao thông vi phạm lỗi không có gương chiếu hậu, không mang Giấy chứng nhận bảo hiểm TNDS thì sẽ bị xử phạt như thế nào ạ?
Ban biên tập xin trả lời như sau:
Điều 53 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới, trong đó quy định xe cơ giới phải có Có đủ gương chiếu hậu và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm tầm nhìn cho người điều khiển. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Mức phạt lỗi không có Giấy chứng nhận bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới
Đối với xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô:
Không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực: Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng (điểm b khoản 4 Điều 21).
Đối với xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy:
Không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng (điểm a khoản 2 Điều 21).
Mức phạt lỗi không có gương chiếu hậu
Đối với người điều khiển xe ô tô (bao gầm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô
Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển phương tiện không có gương chiếu hậu.
Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy
Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe không có gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng.
Bạn Quốc Hưng ở Long An hỏi: Tôi bị lập biên bản lỗi lỗi chở quá số người quy định 31/24 người (xe khách 24 chỗ ngồi) và không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Xin hỏi tôi sẽ bị phạt bao nhiêu tiền và chủ phương tiện có bị phạt không?
Ban biên tập xin trả lời như sau:
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định việc vận tải hành khách bằng xe ô tô không được chở hành khách, hành lý, hàng hóa vượt quá trọng tải, số người theo quy định và người điều khiển phương tiện phải mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ, cụ thể như sau:
Mức phạt đối với lỗi chở quá số người quy định
- Đối với lái xe chở quá số người quy định
STT |
Loại xe |
Hành vi |
Mức phạt |
1 |
Ô tô chở khách Ô tô chở người (chạy tuyến có cự ly từ 300km trở xuống) |
- Chở quá từ 02 người trở lên trên xe đến 9 chỗ - Chở quá từ 03 người trở lên trên xe 10 chỗ đến xe 15 chỗ - Chở quá từ 04 người trở lên trên xe 16 chỗ đến xe 30 chỗ - Chở quá từ 05 người trở lên trên xe trên 30 chỗ |
400.000 đồng - 600.000 đồng trên mỗi người vượt quá Phạt tối đa 40 triệu đồng |
2 |
Ô tô chở khách Ô tô chở người (chạy tuyến có cự ly lớn hơn 300km) |
1.000.000 đồng đến 2.000.000 trên mỗi người vượt quá Phạt tối đa 40 triệu đồng |
Ngoài ra, trường hợp ô tô chở khách, chở người vượt trên 50% đến 100% số người quy định được phép chở của phương tiện bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng; vượt trên 100% số người quy định được phép chở của phương tiện bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng. Đồng thời, xe chở hành khách buộc phải bố trí phương tiện khác để chở số hành khách vượt quá quy định được phép chở của phương tiện.
Như vậy, người điều khiển xe ô tô chở hành khách phải chở đúng số người ghi trong giấy đăng ký xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và được phép chở thêm số người đã quy định mà không bị phạt như sau:
- xe đến 9 chỗ ngồi được phép chở thêm 01 người;
- xe từ 10 chỗ đến xe 15 chỗ ngồi được phép chở thêm 2 người;
- xe từ 16 chỗ đến xe 30 chỗ được phép chở thêm 3 người;
- xe trên 30 chỗ được phép chở thêm 4 người.
Với trường hợp của bạn lái xe chở 31 người trên xe 24 chỗ ngồi. Như vậy bạn đã chở quá 07 người. Mà theo quy định thì bạn được phép chở thêm 3 người. Do đó, tổng số người được phép chở trên xe 24 chỗ là 24 người + 03 người là 27 người. Như vậy, bạn sẽ bị phạt về số người vượt quá quy định được phép chở là 04 người. Mức tiền phạt tương ứng là:
Từ 1.600.000 đồng đến 2.400.000 đồng nếu chạy tuyến có cự ly từ 300km trở xuống.
Từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng nếu xe chạy tuyến có cự ly trên 300km.
- Đối với chủ xe chở quá số người quy định
Chủ xe giao phương tiện hoặc để xe cho người làm công, người đại diện điều khiển ô tô chở khách chở quá số người quy định thì bị phạt như sau:
STT |
Cự ly chở khách |
Mức phạt |
|
Chủ xe là cá nhân |
Chủ xe là tổ chức |
||
1 |
Từ 300km trở xuống |
400.000 đồng - 600.000 đồng trên mỗi người vượt quá Phạt tối đa 40.000.000 đồng
|
800.000 đồng đến 1.200.000 đồng trên mỗi người vượt quá Phạt tối đa 80.000.000 đồng
|
2 |
Trên 300km |
1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trên mỗi người vượt quá Phạt tối đa 40.000.000 đồng |
2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng trên mỗi người vượt quá Phạt tối đa 80.000.000 đồng |
Đồng thời, buộc phải bố trí phương tiện khác để chở số hành khách vượt quá quy định được phép chở của phương tiện.
Với trường hợp bạn hỏi chủ phương tiện sẽ bị phạt số tiền là:
Nếu cự ly từ 300km trở xuống: chủ xe là cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 1.600.000 đồng đến 2.400.000 đồng; phạt tiền từ 3.200.000 đồng đến 4.800.000 đồng trong trường hợp chủ xe là tổ chức.
Nếu cự ly chở khách trên 300km: chủ xe là cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng; phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng trong trường hợp chủ xe là tổ chức.
Mức phạt đối với lỗi không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự
- Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.
Bạn Quách Văn Nam ở Hà Nội hỏi: Tôi điều khiển xe ô tô bị lập biên bản lỗi không có giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới,mở cửa xe không đúng quy định thì bị phạt như thế nào? Có bị tước Giấy phép lái xe hay không?
Trả lời:
Điểm đ khoản 3 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn.
Khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện phải mang theo các loại giấy tờ sau:
- Giấy đăng ký xe
- Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới
- Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới
- Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới
Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, cụ thể như sau:
Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường rộng; dừng xe, đỗ xe không sát mép đường phía bên phải theo chiều đi ở nơi đường có lề đường hẹp hoặc không có lề đường; dừng xe, đỗ xe ngược với chiều lưu thông của làn đường; dừng xe, đỗ xe trên dải phân cách cố định ở giữa hai phần đường xe chạy; đỗ xe trên dốc không chèn bánh; mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn. Ngoài ra nếu vi phạm các hành vi trên mà gây tai nạn giao thông thì sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với hành khách đi xe có hành vi đu, bám vào thành xe; đứng, ngồi, nằm trên mui xe, nóc xe, trong khoang chở hành lý; tự ý mở cửa xe hoặc có hành vi khác không bảo đảm an toàn khi xe đang chạy.
Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực: (điểm b khoản 4 Điều 21).
BBT