Bạn Phạm Anh Thư ở An Giang hỏi: Hôm vừa rồi tôi có bị CSGT dừng và lập biên bản lỗi không có gương chiếu hậu, trong quá trình kiểm tra giấy tờ tôi không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm TNDS, tôi xin sẽ xuất trình giấy tờ sau nhưng tôi bị lập biên bản và hẹn đến trụ sở Phòng Cảnh sát giao thông để nhận quyết định, cho tôi hỏi với lỗi của tôi thì sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền ạ?
Trong câu hỏi bạn không nói bạn tham giao thông bằng phương tiện gì nên Ban biên tập xin trả lời bạn các mức xử phạt các trường hợp như sau:
Điều 53 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới, trong đó quy định xe cơ giới phải có Có đủ gương chiếu hậu và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm tầm nhìn cho người điều khiển. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Đối với người điều khiển xe ô tô (bao gầm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô
Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển phương tiện không có gương chiếu hậu.
Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy
Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe không có gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng.
Đối với hành vi không có hoặc không mang giấy chứng nhận bảo hiểm quy định như sau:
Căn cứ quy định tại Luật Giao thông đường bộ 2008 và Thông tư 22/2016/TT-BTC thì chủ xe cơ giới tham gia giao thông trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới theo quy định và người lái xe phải mang theo khi điều khiển phương tiện. Trường hợp không tham gia hoặc không mang theo khi lái xe, người điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt.
Theo đó, căn cứ Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì:
- Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
- Người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.
Bạn Minh Quân ở Bắc Giang có hỏi: Vượt đèn đỏ bị phạt đến 5 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe đến 03 tháng, có phải không ạ? Những giấy tờ cần mang theo là những giấy tờ gì? Không mang theo thì khi xuất trình có được giảm lỗi không ạ?
Ban Biên tập xin trả lời bạn như sau:
Vượt đèn đỏ là một trong những lỗi thường gặp khi tham gia giao thông. Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 trong đó quy định mức xử phạt đối với người điều khiển phương tiện vi phạm hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông như sau:
Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Ngoài ra còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
Đối với người điều khiển xe mô tô xe, gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy
Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Ngoài ra còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000. Ngoài ra còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 01 tháng đến 03 tháng;
Đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác
Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng
Đối với người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo
Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người điều khiển không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu.
Điều 58. Điều kiện của người lái xe tham gia giao thông
1. Người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khoẻ quy định tại Điều 60 của Luật này và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
2. Người tập lái xe ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái.
3. Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau:
a) Đăng ký xe;
b) Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của Luật này;
c) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55 của Luật này;
d) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Tại Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, có quy định về mức xử phạt đối với hành vi không có giấy phép lái xe, không mang giấy phép lái xe như sau:
- Trường hợp quên không mang Giấy phép lái xe: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. (Trừ trường hợp có giấy phép lái xe quốc tế nhưng không mang theo Giấy phép lái xe quốc gia).
- Trường hợp không có Giấy phép lái xe:
+ Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi dưới 175 cm3.
+ Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên.
Bên cạnh đó, hành vi điều khiển xe máy không có giấy phép lái xe cũng sẽ bị xử tạm giữ xe máy tối đa 07 ngày trước khi ra quyết định xử phạt hành chính. Và mức phạt trên áp dụng đối với người điều khiển phương tiện vi phạm. Trường hợp người điều khiển không phải chủ phương tiện, theo quy định tại Điều 30 Nghị định 100 thì phạt cả chủ phương tiện về hành vi “Giao xe hoặc để cho người không có Giấy phép lái xe phù hợp điều khiển xe tham gia giao thông” với mức phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô.
Theo quy định tại Khoản 2a Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì nội dung này được quy định như sau:
Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
Điều khiển xe không có Giấy đăng ký xe theo quy định hoặc sử dụng Giấy đăng ký xe đã hết hạn sử dụng.
Thực hiện hành vi quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều này trong trường hợp không có Giấy đăng ký xe hoặc sử dụng Giấy đăng ký xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, không đúng số khung, số máy của xe hoặc bị tẩy xóa mà không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của phương tiện (không có giấy tờ, chứng từ chuyển quyền sở hữu xe hoặc giấy tờ, chứng từ nguồn gốc xe hợp pháp) thì bị tịch thu phương tiện.
Mức phạt khi xe hết hạn đăng kiểm vẫn tham gia giao thông
Căn cứ Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt quy định:
Đối với người điều khiển phương tiện
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 01 tháng (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc). Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;
Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại tương tự xe ô tô không có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định, trừ xe đăng ký tạm thời) hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng từ 01 tháng trở lên (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc). Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;
Đối với chủ phương tiện
Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định) nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 01 tháng (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) tham gia giao thông;
Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 12.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định) hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng từ 01 tháng trở lên (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) tham gia giao thông;
Đối với người điều khiển đồng thời là chủ phương tiện
Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về thủ tục xử phạt đối với chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ thì người điều khiển xe hết hạn đăng kiểm đồng thời là chủ phương tiện sẽ bị phạt cụ thể như sau:
Nếu Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đã hết hạn dưới 01 tháng ( kể cả rơ móoc và sơ mi rơ móoc) sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng; đồng thời bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
Nếu Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đã hết hạn sử dụng từ 01 tháng trở lên ( kể cả rơ móoc và sơ mi rơ móoc) sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng; đồng thời bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
Theo đó, căn cứ Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì:
- Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
- Người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.
Như vậy, trong các điều khoản quy định về xử phạt đã cụ thể các lỗi không có và không mang. Khi bạn xuất trình giấy tờ cần thiết thì sẽ ra quyết định xử phạt lỗi không mang.
Bạn Trương Quang Vinh tại Tuyên Quang có hỏi: Chở hàng quá trọng tải, chủ xe bị phạt kịch khung là bao nhiêu ạ? Có được bảo hiểm cho hàng hóa trên xe không khi có sự cố xảy ra không ạ?
Xe quá trọng tải là một trong những nguyên nhân làm xuống cấp, hư hỏng nhanh chóng các bộ phận kết cấu cầu đường, làm giảm tuổi thọ các công trình đường bộ, gây mất trật tự, an toàn giao thông, khiến cho dư luận nhân dân bức xúc. Lỗi quá tải là một lỗi rất thường gặp với các xe chở hàng hóa và theo quy định của pháp luật hiện nay mức phạt tiền đối với lỗi này rất nặng.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về mức Xử phạt người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô vận chuyển hàng hóa vi phạm chở hàng vượt quá trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở), cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe, cụ thể như sau:
- Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải cho phép trên 10% đến 30% (trừ xe xi téc chở chất lỏng), trên 20% đến 30% đối với xe xi téc chở chất lỏng;
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải cho phép của xe trên 30% đến 50%; Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải cho phép của xe trên 50% đến 100%; Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
- Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải cho phép của xe trên 100% đến 150%; Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
- Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải cho phép của xe trên 150%; Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng.
Ngoài ra, khi xe vượt quá trọng tải cho phép thì không chỉ người điều khiển xe mà cả chủ xe cũng sẽ bị xử phạt, cụ thể mức phạt tương ứng như sau:
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức đối với hành vi giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải cho phép của xe trên 10% đến 30% (trừ xe xi téc chở chất lỏng), trên 20% đến 30% đối với xe xi téc chở chất lỏng;
- Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 12.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với tổ chức đối với hành vi giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải cho phép của xe trên 30% đến 50%;
Trong trường hợp chủ phương tiện là người trực tiếp điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển xe cơ giới), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 01 tháng đến 03 tháng;
Phạt tiền từ 14.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 28.000.000 đồng đến 32.000.000 đồng đối với tổ chức đối với hành vi giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải cho phép của xe trên 50% đến 100%;
Trong trường hợp chủ phương tiện là người trực tiếp điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển xe cơ giới), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 01 tháng đến 03 tháng.
Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 32.000.000 đồng đến 36.000.000 đồng đối với tổ chức đối với hành vi giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải cho phép của xe trên 100% đến 150%;
Trong trường hợp chủ phương tiện là người trực tiếp điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển xe cơ giới), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 02 tháng đến 04 tháng.
Phạt tiền từ 18.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 36.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức đối với hành vi giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải cho phép của xe trên 150%;
Trong trường hợp chủ phương tiện là người trực tiếp điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển xe cơ giới), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 03 tháng đến 05 tháng.
Ngoài ra, nếu phương tiện đó có thùng xe, khối lượng hàng hóa cho phép chuyên chở không đúng theo quy định hiện hành thì còn bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và Tem kiểm định của phương tiện từ 01 tháng đến 03 tháng và bị buộc phải thực hiện điều chỉnh thùng xe theo đúng quy định hiện hành, đăng kiểm lại và điều chỉnh lại khối lượng hàng hóa cho phép chuyên chở ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành trước khi đưa phương tiện ra tham gia giao thông;
Như vậy, đối với phương tiện chở hàng vượt quá trọng tải của xe ngoài việc xử phạt lái xe thì chủ xe còn có thể bị phạt tiền kịch khung lên tới 40.000.000 đồng và tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và Tem kiểm định cảu phương tiện từ 01 tháng đến 03 tháng. Việc tăng mức xử phạt về trọng tải nhằm tăng cường trách nhiệm của chủ phương tiện, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đối với công tác quản lý hoạt động vận tải của đơn vị mình. Các lực lượng chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về TTATGT đồng thời tăng cường xử lý các hành vi vi phạm trên để bảo đảm giao thông được thông suốt, an toàn.
Đối với việc khi bạn mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với hàng hóa được vận chuyển trên xe khi có rủi ro xảy ra doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có trách nhiệm:
- Nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe đối với hàng hóa trên xe (là số tiền chủ xe phải chịu trách nhiệm bồi thường cho chủ hàng theo quy định của Bộ luật dân sự đối với thiệt hại về hàng hóa được vận chuyển trên xe) theo hợp đồng vận chuyển giữa chủ xe và chủ hàng trong phạm vi nước CHXHCNVN.
Ngoài ra, doanh nghiệp bảo hiểm còn thanh toán cho Chủ xe các chi phí hợp lý, cần thiết nhằm:
- Ngăn ngừa, giảm nhẹ tổn thất cho hàng hóa;
- Bảo quản, xếp dỡ, lưu kho, lưu bãi hàng hóa trong quá trình vận chuyển do hậu quả của tai nạn;
- Giám định tổn thất thuộc phạm vi bảo hiểm.
- Mức trách nhiệm bảo hiểm được ghi trên GCNBH hoặc hợp đồng bảo hiểm.
- Doanh nghiệp bảo hiểm mở rộng phạm vi bồi thường cho hàng hóa của chính chủ xe
BBT