Các văn bản pháp luật là hệ thống những quy định chúng ta cần nghiên cứu để áp dụng đúng, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân cũng như trách nhiệm đối với pháp luật. Đã có khá nhiều câu hỏi về thế nào là xe cơ giới, bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới, quyền lợi khi tham gia bảo hiểm TNDS là như thế nào. Để làm rõ vấn đề này, chúng ta cần nghiên cứu những quy định sau:
Theo quy định của Luật giao thông đường bộ 2008 về phân loại các phương tiện tham gia giao thông như sau:
Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới) gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.
Phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (sau đây gọi là xe thô sơ) gồm xe đạp (kể cả xe đạp máy), xe xích lô, xe lăn dùng cho người khuyết tật, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự.
Xe máy chuyên dùng gồm xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh có tham gia giao thông đường bộ.
Như vậy, “xe cơ giới’’ ở đây được hiểu là xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.
Theo quy định tại Nghị định 103/2008/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, xe cơ giới được hiểu như sau:
“Xe cơ giới” bao gồm xe ô tô, máy kéo, xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng (kể cả rơ-moóc và sơ mi rơ-moóc được kéo bởi xe ô tô hoặc máy kéo), xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe cơ giới tương tự (kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật) có tham gia giao thông.
Như vậy, trong lĩnh vực bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, khái niệm “xe cơ giới” rộng hơn khái niệm “xe cơ giới” quy định trong Luật giao thông đường bộ 2008, nó bao gồm cả “xe cơ giới” và “xe máy chuyên dùng’ theo quy định của Luật giao thông đường bộ.
Khái niệm “Chủ xe cơ giới” trong lĩnh vực bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự cũng mở rộng hơn, không chỉ là người chủ sở hữu xe mà còn là người được chủ sở hữu xe cơ giới giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp, điều khiển xe cơ giới.
Chủ xe cơ giới cũng có rất nhiều quyền lợi khi tham gia bảo hiểm bắt buộc TNDS:
- Được lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm để tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
- Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm giải thích, cung cấp các thông tin liên quan đến việc giao kết, thực hiện và huỷ bỏ hợp đồng bảo hiểm.
- Trường hợp có sự thay đổi những yếu tố làm cơ sở để tính phí bảo hiểm dẫn đến giảm các rủi ro được bảo hiểm, có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm giảm mức phí bảo hiểm phù hợp cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm.
- Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường nhanh chóng, đầy đủ và kịp thời theo hợp đồng bảo hiểm.
- Chủ xe cơ giới là đơn vị sản xuất kinh doanh, phí bảo hiểm được tính vào chi phí hoạt động kinh doanh; chủ xe cơ giới là cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, phí bảo hiểm được bố trí trong kinh phí hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị.
- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Hùng Anh