Đèn đỏ giao thông

Tra cứu phương tiện vi phạm giao thông qua hình ảnh

Biển kiểm soát

Loại phương tiện

Mã bảo mật

Tra cứu xe mất đăng ký, biển số, hết niên hạn, mất cắp

Biển kiểm soát

Loại phương tiện

Mã bảo mật

Quảng cáo phải Quảng cáo phải Danh ba dien thoai Chung tay vì an toàn giao thông
Trang chủ / 75 năm truyền thống CSGT
“Nghề điều tra, giải quyết TNGT" - Chặng đường để trưởng thành của tôi.
Ngày đăng: 17/01/2021
Còn 08 ngày nữa là tuổi phục vụ của tôi trong lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) đủ cho tôi có thể xin nghỉ hưu trước tuổi hạn phục vụ theo quy định của Luật Công nhân dân (CAND). Nhận được phân công của lãnh đạo đơn vị về viết bài nhân kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống của lực lượng CSGT bản thân chợt nghĩ tới nghề của mình: “Nghề điều tra giải quyết tai nạn giao thông”, nên tôi viết đôi dòng suy nghĩ này như một lời chia sẽ với những đồng chí theo nghề điều tra, giải quyết TNGT và những đồng chí sắp được chọn để hành nghề như bản thân tôi đã lựa chọn.

Ngày vào ngành CAND, tốt nghiệp chuyên ngành CSGT ai cũng nghĩ mình sẽ được cầm còi, dừng xe xử lý và sẽ rất oai vệ trên đường giao thông. Riêng tôi sau 01 tháng cầm còi được lãnh đạo nhận xét tôi “chẳng xử lý được ai” nên cho làm công điều tra, xử lý tai nạn giao thông. Nghề của tôi đến một cách tự nhiên như thế. Sự bắt đầu công việc này của tôi là từ những ngày đầu chưa có Thông tư hướng dẫn công tác điều tra, giải quyết TNGT, biểu mẫu xử lý thì tùy đơn vị, miễn sao khi xảy ra TNGT chúng tôi vẽ được sơ đồ hiện trường, xác định lỗi trong vụ TNGT, tạm giữ phương tiện và giải quyết. Nếu TNGT có người chết không người thân nhận người thì CSGT làm luôn công tác vận động giải quyết chôn cất nạn nhân. Những năm tháng này CSGT xử lý TNGT chưa có phương tiện để chở phương tiện liên quan đến TNGT về để điều tra nên lực lượng CSGT điều khiển cả ba gác, xích lô chở phương tiện về cơ quan tạm giữ.

 Một thời gian sau, nhiều văn bản quy phạm pháp luật cho công tác này lần lượt được ban hành như Quyết định 768/QĐ-BCA(C11), Thông tư 76/2011/TT-BCA, Thông tư 77/2011/TT-BCA và đặc biệt nay sắp đến là thực hiện theo Thông  tư số 62/2020/TT-BCA; Thông tư 63/2020/TT-BCA về phân công và quy trình cho công tác điều tra, giải quyết TNGT trong CAND thì công tác này đã đi vào nền nếp hơn và biểu mẫu quy định khoa học theo sự phát triển chung của pháp luật và xã hội.

Cùng với sự ra đời của hệ thống văn bản quy phạm trên thì bản thân tôi cũng trãi qua hơn 20 năm làm công tác điều tra giải quyết TNGT tại nhiều đơn vị Công an cơ sở. Điều tra, giải quyết TNGT với bản thân tôi đã trở thành một “Nghề”. Thời gian làm nhiều việc nhất có năm bản thân tham gia điều tra, giải quyết gần 1.000 vụ TNGT lớn nhỏ trong đó có khoảng 30 vụ có người chết, thời gian tôi có mặt trong nhà xác của các bệnh viện ngày càng nhiều. Tôi cũng đã quen dần công việc và có lúc gần giống bác sĩ pháp y trong xác định nguyên nhân chết của nạn nhân TNGT. Tên mình luôn được gọi khi nhận tin báo TNGT xảy ra trên địa bàn, xách valy khám nghiệm ra đi đến hiện trường xác định sơ bộ về vụ TNGT báo lãnh đạo về phân công. Trong mọi vụ TNGT thì CSGT đều phải vẽ sơ đồ, khám nghiệm hiện trường vụ TNGT, khám phương tiện, xác định hậu quả, làm việc người điều khiển các phương tiện, người biết việc để có thể xác định sơ bộ nguyên nhân TNGT…Nhưng có lẽ khó khăn, ngán ngại nhất “Nghề” này chính là nỗi ám ảnh về hình ảnh những nạn nhân không còn nguyên vẹn tại hiện trường, những tiếng kêu cứu lịm dần của lái xe ô tô dính trên cabin xe trên đường cao tốc, hay những giọt nước mắt của người thân TNGT, những nén nhang, những thân thể con người sống đời thực vật mà CSGT xử lý TNGT phải trực tiếp tiếp xúc trong khi hành “nghề”. “Nghề” này thì CSGT bất kể ngày giờ, địa hình, thời tiết đều phải đến hiện trường để xử lý. Nhưng đây cũng là công việc nhận được phản ánh của nhân dân nhiều nhất do thái độ, đến hiện trường chậm, xác định lỗi TNGT không chính xác, giải quyết TNGT không kịp thời…

Nhiều người bạn hay hỏi tại sao tôi chọn nghề này thấy không gì thích, chế độ chính sách thấp, muốn học hành để phát triển cũng khó vì đi học ai làm TNGT cho đơn vị. Làm công việc vậy không sợ sao? Sợ chứ vì hơn 20 năm rồi tôi vẫn nhớ 03 nạn nhân chết tại chỗ trên cầu Tân An, nạn nhân đi xe Dylan đứt lìa chân tại khớp đùi trong vụ TNGT do đua xe trên đường Hùng Vương thành phố Tân An…Vậy cách nào tôi thoát khỏi nổi sợ đó. Niềm tin vào cái đúng, vào Pháp luật; sự trừng phạt người vi phạm và giúp cho nạn nhân giảm đi nổi đau do mất mát từ TNGT gây ra cho họ chính là sợi chỉ nam xuyên suốt cho cái “nghề” của tôi. Chính công việc này cho tôi bình tĩnh hơn trong tiếp xúc người vi phạm gây TNGT, trong tiếp xúc người nhà nạn nhân nóng giận vác dao đòi chém CSGT và cả hội đồng pháp y trong xác nhận nguyên nhân chết của người bị TNGT khi người nhà nạn nhân đã đem xác về nhà khâm liệm xong. Công việc cũng buộc tôi thuộc luật hơn, làm tốt hơn công tác vận động quần chúng cung cấp tin phục vụ xác định nguyên nhân TNGT, thông thuộc từng con đường, từng ổ gà, đoạn đường thu hẹp, từng ngôi nhà, trụ đèn, trụ điện làm mốc trong sơ đồ vụ TNGT…cho tôi có cơ hội tiếp xúc nhiều hoàn cảnh TNGT và giúp tôi cố gắng hơn trong công tác hoàn thành nhiệm vụ. Hơn 20 năm tôi cũng đã bị khiếu nại 02 lần trong công việc của mình, 01 lần vì thất lạc không lập biên bản giữ đồ nghề làm điện của 1 nạn nhân đi xe máy bị nạn, 01 lần vì chuyển giao hồ sơ cho cơ quan CSĐT không có biên bản giữ giấy tờ phương tiện đảm bảo. Nhưng ngược lại tôi có rất nhiều bạn bè, người thân liên quan TNGT nhớ đã gặp và nhắc lại vụ TNGT mà mình đã xử lý đúng quy định pháp luật…

Có lẽ rồi tôi sẽ không còn nhiều thời gian cho công việc này vi người thân, gia đình ai cũng khuyên tôi nghỉ “Nghề” này hay làm việc khác vì làm nhiều thì sức khỏe và thần kinh yếu dần… Nhưng qua bài viết này, tôi mong muốn các cấp lãnh đạo của những đồng chí đang làm công việc này quan tâm hơn về họ về chế độ chính sách, về các đãi ngộ cho cán bộ CSGT làm công tác này như phụ cấp đặc thù ngang bằng lực lượng làm công tác tuần tra kiểm soát. Riêng với những đồng chí đang, sắp và sẽ làm “Nghề” này trước hết phải rèn luyện đạo đức nghề nghiệp trước khi làm công việc điều tra giải quyết TNGT bởi vì ý thức nghề nghiệp, sự cố gắng phấn đấu đảm bảo tuyệt đối khách quan xác định đúng người, đúng lỗi là quan trọng nhất của công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông. Cán bộ, chiến sĩ CSGT làm công tác này phải nắm vững pháp luật về Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật giao thông, Nghị định về xử phạt trên lĩnh vực giao thông và các Thông tư Phân công và Quy định quy trình Công tác điều tra, giải quyết TNGT. Người làm công việc này không được cẩu thả và phải rèn luyện tác phong vận động quần chúng tốt. Hình ảnh làm tốt, làm đúng, kịp thời của CSGT trong điều tra, giải quyết TNGT sẽ đem lại hiệu quả tuyên truyền và tác động phòng ngừa TNGT rất lớn vì công việc này là CSGT đại diện cho Pháp luật, Công lý phán xử về 01 vụ TNGT cụ thể. Xác định đúng người, đúng lỗi, áp dụng chế tài xử lý nghiêm khắc, phù hợp với hành vi và hậu quả do vi phạm Luật giao thông gây ra TNGT; chia sẽ kịp thời nỗi đau mất mát với người bị nạn trong vụ TNGT chính là cách làm tốt nhất, tạo được hình ảnh đẹp của người CSGT trong lòng nhân dân trong giai đoạn hiện nay.

Trung tá Nguyễn Hữu Nghĩa

Phòng CSGT Công an tỉnh Long An