Sau khi giao kết hợp đồng, người tham gia bảo hiểm sẽ thực hiện nghĩa vụ của mình là đóng phí bảo hiểm để duy trì hợp đồng bảo hiểm. Khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, người tham gia bảo hiểm sẽ tiến hành thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm để thực hiện nghĩa vụ chi trả số tiền bảo hiểm đối với các rủi ro mà bên mua bảo hiểm phải gánh chịu. Tuy nhiên, nghĩa vụ cung cấp thông tin của người tham gia bảo hiểm không chỉ dừng lại ở giai đoạn thông báo cho doanh nghiệp mà bên mua bảo hiểm còn phải thực hiện cung cấp các thông tin và giấy tờ liên quan theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm.
Trách nhiệm cung cấp thông tin của người tham gia bảo hiểm góp phần quan trọng trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm. Khi có hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng là một trong những nguyên nhân trực tiếp làm ảnh hưởng đến tính hiệu lực của hợp đồng nói chung và hợp đồng bảo hiểm nói riêng.
Tại Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2019 quy định bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ:
a) Đóng phí bảo hiểm đầy đủ, theo thời hạn và phương thức đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm;
b) Kê khai đầy đủ, trung thực mọi chi tiết có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm;
c) Thông báo những trường hợp có thể làm tăng rủi ro hoặc làm phát sinh thêm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm;
d) Thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm;
đ) Áp dụng các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
e) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Trong các nghĩa vụ trên, nghĩa vụ khai báo thông tin rất quan trọng, nhất là khi sự kiện xảy ra bởi thông tin mà bên mua bảo hiểm cung cấp như: Tuổi, giới tính, nghề nghiệp,tình trạng sức khỏe… là cơ sở để tính phí bảo hiểm. Nếu sự kiện bảo hiểm xảy ra mà liên quan đến việc khai báo sai thông tin thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền từ chối bồi thường theo quy định. Khi đó người chịu thiệt thòi là khách hàng cho dù lỗi khai báo thông tin là cố ý hay vô tình.
Đối với chủ xe cơ giới khi tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Nghĩa vụ của chủ xe cơ giới được quy định tại Điều 17, Thông tư 22/2016/TT-BTC cụ thể:
1. Phải tham gia và thanh toán đầy đủ phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới theo quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan. Khi mua bảo hiểm, chủ xe cơ giới phải cung cấp đầy đủ và trung thực những nội dung đã được quy định trong Giấy chứng nhận bảo hiểm.
2. Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp bảo hiểm xem xét tình trạng xe trước khi cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm.
3. Trường hợp có sự thay đổi về mục đích sử dụng xe dẫn đến tăng hoặc giảm các rủi ro được bảo hiểm, chủ xe cơ giới phải kịp thời thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm để áp dụng mức phí bảo hiểm phù hợp cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm.
4. Chủ xe cơ giới phải luôn mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm còn hiệu lực khi tham gia giao thông, xuất trình giấy tờ này khi có yêu cầu của lực lượng cảnh sát giao thông và cơ quan chức năng có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.
5. Tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn giao thông đường bộ.
6. Khi tai nạn giao thông xảy ra, chủ xe cơ giới phải có trách nhiệm:
a) Thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm để phối hợp giải quyết, tích cực cứu chữa, hạn chế thiệt hại về người và tài sản, bảo vệ hiện trường tai nạn đồng thời thông báo cho cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương nơi gần nhất.
b) Không được di chuyển, tháo gỡ hoặc sửa chữa tài sản khi chưa có ý kiến chấp thuận của doanh nghiệp bảo hiểm; trừ trường hợp cần thiết để đảm bảo an toàn, đề phòng hạn chế thiệt hại về người và tài sản hoặc phải thi hành theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
c) Cung cấp các tài liệu trong Hồ sơ bồi thường quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 và điểm c Khoản 5 Điều 14 (trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện sửa chữa, khắc phục thiệt hại thì chủ xe cơ giới không phải cung cấp tài liệu quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 14 Thông tư này) và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình xác minh các tài liệu đó. Phối hợp với doanh nghiệp bảo hiểm thu thập tài liệu theo quy định tại điểm a Khoản 5 Điều 14 Thông tư này.
7. Chủ xe cơ giới phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm trong trường hợp xe cơ giới thuộc đối tượng được hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Thông tư này.
8. Thông báo và trả tiền bồi thường cho người bị tai nạn số tiền họ được doanh nghiệp bảo hiểm trả đối với từng trường hợp thiệt hại về người theo đúng mức bồi thường quy định tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư này.
9. Các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
Theo Thông tư số 22/2016/TT-BTC, chủ xe cơ giới phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm trong trường hợp xe cơ giới thuộc đối tượng được hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm; thông báo và trả tiền bồi thường cho người bị tai nạn số tiền họ được doanh nghiệp bảo hiểm trả đối với từng trường hợp thiệt hại về người theo đúng mức bồi thường quy định và thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, Bộ Tài chính đã xây dựng và đang xin ý kiến rộng rãi về Nghị định mới về bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới nhằm hoàn thiện chính sách bảo hiểm này, sửa đổi, bổ sung quy định về hồ sơ bồi thường bảo hiểm theo hướng giảm nhẹ gánh nặng thủ tục cho chủ xe, lái xe, tăng tính chủ động và trách nhiệm của các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc thu thập hồ sơ bồi thường, rút ngắn thời gian tạm ứng bồi thường...
Lê Khanh