Hiện nay nhiều người vẫn chưa nắm được những lợi ích thiết thực của việc tham gia bảo hiểm TNDS chủ xe cơ giới. Về lợi ích tài chính, bảo hiểm TNDS bắt buộc của chủ xe cơ giới giúp bảo vệ tài chính cho chủ xe trước những rủi ro bất ngờ. Công ty bảo hiểm sẽ thay cho chủ xe tiến hành việc chi trả phần trách nhiệm dân sự này. Mức trách nhiệm bảo hiểm của đơn vị bảo hiểm đối với thiệt hại về người do xe cơ giới gây ra là 100 triệu đồng/1 người/1 vụ tai nạn. Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe mô tô, xe máy gây ra là 50 triệu đồng/1 vụ tai nạn; đối với thiệt hại về tài sản do xe ô tô gây ra là 100 triệu đồng/1 vụ tai nạn. Bên cạnh việc bồi thường cho chủ xe, một phần số tiền bảo hiểm sẽ được sử dụng để hỗ trợ nạn nhân khi gặp tai nạn giao thông. Trong trường hợp không xác định được xe gây tai nạn hoặc tai nạn không thuộc phạm vi bảo hiểm cũng sẽ được hỗ trợ bồi thường nhân đạo cho nạn nhân số tiền lên đến 20 triệu đồng/người.
Về quy định pháp lý, cùng với đăng ký xe ô tô/xe máy, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với xe ô tô) thì giấy chứng nhận bảo hiểm TNDS bắt buộc của chủ xe là giấy tờ thiết yếu người tham gia giao thông luôn phải mang. Từ tháng 9/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103/2008/NĐ-CP về bảo hiểm TNDS bắt buộc của chủ xe cơ giới. Với mức phí bảo hiểm TNDS bắt buộc hiện nay chỉ 60.000 đồng/năm đối với xe máy, và từ 437.000 đồng/năm trở lên đối với ôtô tùy theo mục đích sử dụng xe. Thế nhưng, theo các doanh nghiệp bảo hiểm, quy định bắt buộc này chỉ có chủ ôtô mua là chính, vì nếu không, chủ xe sẽ không được xét đăng kiểm xe, mua bảo hiểm thân xe, kể cả mua phí bảo trì đường bộ. Đối với các chủ xe mô tô, xe máy vẫn chủ yếu mua để đối phó...
Quy định pháp luật chặt chẽ, lợi ích kinh tế rõ ràng, song vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân không xem trọng bảo hiểm TNDS bắt buộc. Chỉ khi lực lượng CSGT tăng cường TTKS, XLVP liên quan đến bảo hiểm TNDS thì người ta mới quan tâm đến nó. Thực tế, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không có hoặc không mang bảo hiểm TNDS thường đi kèm với các lỗi vi phạm về quy tắc giao thông, ví dụ vi phạm vượt đèn đỏ bị CSGT phát hiện, khi kiểm tra giấy tờ thì phát hiện thêm người điều khiển phương tiện không mang hoặc không có giấy chứng nhận bảo hiểm TNDS nên người điều khiển phương tiện thường chỉ chú ý đến việc chấp hành quy tắc giao thông mà quên rằng bảo hiểm TNDS là một loại giấy tờ bắt buộc phải mang theo khi điều khiển phương tiện.
Trước đây, nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực; phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.
Tuy nhiên để tăng sức răn đe, Nghị định 100/2019/NĐ-CP thay thế Nghị định 46/2016/NĐ-CP đã tăng mức tiền phạt lên đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực; đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô thì mức phạt tiền được giữ nguyên do mức tiền phạt đến 600.000 đồng đã đủ sức răn đe.
BBT