Bạc Liêu là một tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có vị trí địa lý là phía Bắc giáp tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang, phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Sóc Trăng; phía Tây và Tây Nam giáp tỉnh Cà Mau; phía Đông và Đông Nam giáp biển Đông. Bạc Liêu hiện tại gồm 07 đơn vị hành chính, gồm: Thành phố Bạc Liêu, thị xã Giá Rai và 05 huyện: Vĩnh Lợi, Hoà Bình, Đông Hải, Phước Long và Hồng Dân.
Hệ thống giao thông đường bộ: Bạc Liêu có 03 tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh với tổng chiều dài 126 km (Quốc lộ 1A: 63 km, Quốc lộ Quản lộ Phụng Hiệp: 13 km, Quốc lộ Nam Sông Hậu dài 13 km); với 15 tuyến đường liên huyện, liên xã với tổng chiều dài gần 3000 km, 87 giao lộ,... Những năm qua, hạ tầng giao thông đường bộ được nâng cấp, mở rộng; đời sống vật chất của người dân ngày càng được nâng lên rõ rệt, các loại phương tiện giao thông phục vụ cho sinh hoạt ngày càng phong phú, đa dạng, nhiều chủng loại, nhất là các loại xe ô tô, mô tô, phương tiện vận tải tăng lên rất nhanh. Trong khi đó hệ thống pháp luật nói chung và Luật giao thông đường bộ nói riêng lại chưa được sửa đổi, bổ sung để theo kịp sự phát triển chung của hoạt động giao thông, bên cạnh đó ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người dân nói chung mà đặc biệt là của những người tham gia giao thông nói riêng còn chưa cao.
Do vậy, tình hình vi phạm về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) còn diễn ra rất phổ biến, nhất là vi phạm về điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; đi không đúng phần đường, làn đường; tránh vượt sai quy định … Các hành vi này là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT), gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Từ thực trạng trên, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã tăng cường chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng tiến hành toàn diện, đồng bộ, liên tục các chủ trương, giải pháp để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo đảm TTATGT với quyết tâm phấn đấu hàng năm kiềm chế, làm giảm từ 5% đến 10% TNGT và không để xảy ra ùn tắc giao thông; trong đó, có giải pháp tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ để phát hiện, xử lý vi phạm TTATGT trên các tuyến, địa bàn trọng điểm của tỉnh Bạc Liêu.
Năm 2016, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ được Giám đốc Công an tỉnh giao quản lý, khai thác Hệ thống camera giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm TTATGT, tính đến nay trên địa bàn toàn tỉnh Bạc Liêu đã lắp đặt và đi vào hoạt động tổng cộng 15 thiết bị camera giám sát, trong đó có 4 camera giám sát vi phạm lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, 11 camera giám sát vi phạm tốc độ trên tuyến QL1A và Quốc lộ Nam Sông Hậu đoạn qua địa phận tỉnh Bạc Liêu. Hệ thống camera giám sát ứng dụng phần mềm nhận dạng biển số xe STM01 trong quản lý phương tiện và phát hiện các lỗi vi phạm giao thông như: Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; đi không đúng phần đường, làn đường; tránh vượt sai quy định … với độ chính xác cao cả ban ngày và ban đêm, không phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, nhận dạng được tất cả các loại biển số phương tiện từ hai phía trước và sau.
Hệ thống này đã đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa công tác tuần tra, kiểm soát, giảm bớt sự có mặt thường xuyên của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) trên đường nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát chặt chẽ tình hình TTATGT.
Thông qua công tác giám sát tại trung tâm điều hành đặt tại Phòng CSGT đường bộ, Công an tỉnh Bạc Liêu đã chủ động trong công tác nắm tình hình, xác định các tuyến, giao lộ có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông nhiều, có nguy cơ ùn tắc, các phương tiện có biểu hiện đua xe trái phép....để có biện pháp huy động lực lượng, xử lý kịp thời. Ngoài ra, hệ thống camera giám sát còn hỗ trợ cho công tác giám sát an ninh, trật tự, công tác điều tra, tìm hiểu diễn biến và nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông, xác định được đối tượng gây tai nạn mà hệ thống camera thu được.
Việc xử lý vi phạm qua Hệ thống camera giám sát giao thông trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã mang lại hiệu quả; hình ảnh, thông tin về vi phạm rất rõ ràng, chính xác; người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường đã nhận thức việc mình luôn được giám sát, kể cả khi không có lực lượng CSGT, qua đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ của người tham gia giao thông, đây là nhân tố quan trọng nhất trong thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT hiện nay, tránh được tình trạng người tham gia giao thông có tấm lý đối phó, chủ quan khi nghĩ rằng hành vi của mình “không ai biết, không ai thấy”. Chính sự chủ quan này đã đem lại rất nhiều hậu quả nặng nề cho bản thân, gia đình và xã hội vì rất nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra theo cách như thế. Vì vậy, hệ thống camera giám sát vi phạm giao thông được kỳ vọng sẽ tạo cho người dân cả nước nói chung và người dân Bạc Liêu nói riêng một thói quen mới, thói quen “sợ camera phát hiện” để tự giác chấp hành quy định của pháp luật khi tham gia giao thông.
Theo số liệu thống kê, trong năm 2020 (Từ ngày 15/12/2019 đến ngày 14/12/2020), Qua hệ thống camera giám sát đã ghi nhận và Tổ camera đã gửi thông báo 13.204 trường hợp vi phạm, lập biên bản xử phạt 2.504 trường hợp, ra quyết định xử phạt chuyển Kho bạc Nhà nước thu 6.978.300.000 đồng. Những con số này là minh chứng rõ nét nhất về hiệu quả của việc lắp đặt hệ thống camera giám sát trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu; nhìn chung hình thức “xử phạt nguội” mới đã và đang đem lại kết quả cao trong công tác giữ gìn TTATGT, góp phần nâng cao ý thức người tham gia giao thông.
Để phát huy những kết quả đã đạt được, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác ứng dụng khoa học công nghệ nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm TTATGT trong tình hình mới; trong thời gian tới, cần tiếp tục tập trung thực hiện tốt một số các nội dung sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý TTATGT.
Hai là, tiếp tục trang bị phương tiện kỹ thuật, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung cho lực lượng làm công tác bảo đảm TTATGT từ hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đến cơ sở dữ liệu về phương tiện, trước bạ điện thoại, cấp quản lý giấy phép lái xe, xử lý vi phạm về TTATGT.
Ba là, tiếp tục khai thác có hiệu quả hệ thống camera giám sát hiện có để quản lý, tổ chức điều khiển giao thông và phát hiện, xử lý vi phạm trên các địa bàn, tuyến trọng điểm phức tạp về TTATGT và TNGT trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT, tiếp cận sâu rộng với mọi tầng lớp, nhất là chủ trương xử phạt qua hệ thống camera giám sát. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng vừa cấp bách vừa mang tính cơ bản, lâu dài nhằm hình thành nếp sống văn minh, tạo thói quen cho người tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu chấp hành đúng các quy định của pháp luật.
Năm là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý cho công tác xử phạt vi phạm qua hệ thống camera đạt hiệu quả cao, chế tài phải thật sự nghiêm khắc, vừa mang tính chất răn đe, giáo dục vừa phải đảm bảo buộc người vi phạm chấp hành theo đúng quy định của pháp luật.
Sáu là, tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn trong việc đăng ký, quản lý, đăng kiểm xe đúng quy định, không để tình trạng xe vi phạm TTATGT được đăng kiểm, kiểm định nhưng không bị cơ quan chức năng phát hiện xử lý.
Bảy là, thực hiện tốt công tác đăng ký, quản lý xe (xe chính chủ) là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho hoạt động ứng dụng hệ thống camera giám sát trong bảo đảm TTATGT, xử lý vi phạm giao thông đạt hiệu quả cao nhất.
Tám là, tiếp tục xây dựng đội ngũ CSGT thực sự trong sạch, vững mạnh, có trình độ năng lực, đạo đức, tác phong, tăng cường đào tạo lực lượng ngày một chính quy, tinh nhuệ, khuyến khích cán bộ làm công tác khoa học, tham gia nghiên cứu, ứng dụng, triển khai thành tựu khoa học và công nghệ vào công tác đảm bảo TTATGT, góp phần thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”.
TTATGT luôn là một vấn đề mang tính xã hội, có liên quan, ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống xã hội, đến tâm tư, tình cảm và các quyền lợi cơ bản của công dân. Thực tế cho thấy, TTATGT không chỉ là sản phẩm của một ngành hay một lực lượng mà là sản phẩm chung được kế thừa kết quả của nhiều hoạt động xã hội khác nhau, trong đó CSGT là lực lượng nòng cốt, xung kích, trực tiếp tiến hành các biện pháp quản lý nhà nước về TTATGT theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Cùng với lực lượng CSGT cả nước, CSGT Bạc Liêu quyết tâm tiếp tục phát huy hơn nữa vài trò là lực lượng chủ công trong công tác đảm bảo TTATGT; đoàn kết thống nhất, nêu cao tinh thần trách nhiệm, gắn bó mật thiết với nhân dân; chủ động tham mưu cho các cấp chính quyền những đề án, chiến lược đảm bảo TTATGT trên địa bàn tỉnh nhà; tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT, ùn tắc giao thông; đổi mới cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện các văn bản pháp luật, tạo thuận lợi cho người dân theo các chương trình, đề án của Chính phủ; góp phần tích cực đưa Bạc Liêu tiếp tục là một điểm sáng về TTATGT trên cả nước.
Phòng CSGT đường bộ Công an tỉnh Bạc Liêu