Đèn đỏ giao thông

Tra cứu phương tiện vi phạm giao thông qua hình ảnh

Biển kiểm soát

Loại phương tiện

Mã bảo mật

Tra cứu xe mất đăng ký, biển số, hết niên hạn, mất cắp

Biển kiểm soát

Loại phương tiện

Mã bảo mật

Quảng cáo phải Quảng cáo phải Danh ba dien thoai Chung tay vì an toàn giao thông
Trang chủ / Bảo hiểm TNDS chủ xe cơ giới
Xử lý vi phạm hành chính trong thực hiện bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới
Ngày đăng: 20/02/2020
Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đã không còn xa lạ với chúng ta bởi tính ưu việt mà Bảo hiểm mang lại cho các bên trong trường hợp xảy ra tai nạn giao thông. Tuy nhiên trên thực tế còn rất nhiều chủ phương tiện không tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự, dẫn đến nhiều hệ lụy về kinh tế, tranh chấp về bồi thường thiệt hại trong vụ tai nạn giao thông, cũng như gây khó khăn cho công tác hòa giải, giải quyết vụ TNGT của lực lượng CSGT. Các cơ quan chức năng, lực lượng CSGT đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó công tác xử lý vi phạm hành chính được coi là biện pháp trực tiếp nhất nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với việc chấp hành các quy định trong thực hiện bảo hiểm bắt buộc TNDS.

Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về tham gia bảo hiểm của người điều khiển xe cơ giới

Quy định tham gia bảo hiểm TNDS là bắt buộc cùng với những lợi ích thiết thực mà BHTNDS đem lại, song trên thực tế vẫn còn tình trạng người dân nghi ngại, thờ ơ với bảo hiểm xe cơ giới đặc biệt là chủ xe mô tô. Tình trạng mua để “phòng chống” việc bị lực lượng chức năng kiểm tra khi tham gia giao thông trên đường vẫn còn tồn tại. Thực tế, nhiều người cho rằng, việc mua bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới chỉ là việc làm “bắt đắc dĩ” mà thôi. Bởi theo họ, nếu không mua, khi kiểm tra bị phạt với số tiền không lớn hơn số tiền bỏ ra mua bảo hiểm. Chính vì vậy, nhiều người cho rằng việc mua bảo hiểm chỉ mang tính đối phó.

Bên cạnh đó, tâm lý của nhiều người tham gia giao thông là ngại những thủ tục rườm rà, mất thời gian khi làm thủ tục để doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường. Nên nhiều người khi va chạm xảy ra, thường tự giải quyết với nhau. Cũng có rất nhiều trường hợp có tham gia bảo hiểm TNDS song vì nhiều lý do mà quên không kiểm tra giấy tờ thường xuyên dẫn đến BHTNDS hết hạn mà người sử dụng cũng không hay biết.

Có rất nhiều “lý do” cho việc không tham gia bảo hiểm TNDS và phải nhìn nhận rằng để thay đổi được tư duy cũ đó, những nhà quản lý về TTATGT phải có nhiều biện pháp, từ tuyên truyền nhắc nhở đến quyết liệt xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008, khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện phải đem theo:

- Đăng ký xe;

- Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới;

- Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới;

- Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Nếu thiếu bất cứ giấy tờ nào nêu trên, người lái xe sẽ bị phạt. Cụ thể mức phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, ngày 30 tháng 12 năm 2019 quy định xử phạt vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt như sau:

- Đối với ô tô:

Điểm b, khoản 4, Điều 21 nghị định quy định phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.

- Đối với xe mô tô:

Điểm a, khoản 2, Điều 21  nghị định quy định phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực

Xử phạt hành vi vi phạm đối với doanh nghiệp bảo hiểm,Tổng giám đốc (Giám đốc) và người liên quan của doanh nghiệp bảo hiểm 

Bên cạnh việc chấp hành các quy định của pháp luật của người điều khiển xe cơ giới, thì việc nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đóng vai trò quan trọng. Thời gian qua, một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có dấu hiệu bán bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới không tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành. Chính vì vậy, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã có công văn đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động kiểm tra, rà soát việc triển khai bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới trong toàn hệ thống, đảm bảo thực hiện đúng quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới theo quy định pháp luật hiện hành. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm tiến hành chấn chỉnh, xử lý kịp thời.

Nghị định 103/2008/NĐ-CP quy định rất rõ mức xử phạt các hành vi vi phạm như sau:

- Phạt tiền 50.000.000 đồng đối với doanh nghiệp bảo hiểm; phạt tiền 10.000.000 đồng đối với Tổng giám đốc (Giám đốc) và người liên quan của doanh nghiệp bảo hiểm có hành vi từ chối bán bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

- Phạt tiền 30.000.000 đồng đối với doanh nghiệp bảo hiểm; Phạt tiền 30.000.000 đồng đối với Tổng giám đốc (Giám đốc) và người liên quan của doanh nghiệp bảo hiểm có hành vi không tuân thủ thời hạn bảo hiểm quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định này.

- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với doanh nghiệp bảo hiểm; phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với Tổng giám đốc (Giám đốc) và người liên quan của doanh nghiệp bảo hiểm có hành vi không tuân thủ mức phí bảo hiểm do Bộ Tài chính quy định.

- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với doanh nghiệp bảo hiểm; phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với Tổng giám đốc (Giám đốc) và người liên quan của doanh nghiệp bảo hiểm có hành vi không tuân thủ mức trách nhiệm bảo hiểm do Bộ Tài chính quy định.

- Phạt tiền 10.000.000 đồng đối với doanh nghiệp bảo hiểm, Tổng giám đốc (Giám đốc) và người liên quan thực hiện giải quyết bồi thường không đúng quy định.

- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Doanh nghiệp bảo hiểm, Tổng giám đốc (Giám đốc) và người liên quan có hành vi yêu cầu người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm trả thù lao, hay các quyền lợi vật chất khác trái pháp luật trong quá trình giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm;

b) Cá nhân, tổ chức có hành vi trục lợi để nhận tiền bồi thường, trả tiền bảo hiểm;

c) Cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp bảo hiểm đồng loã với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật vì mục đích vụ lợi;

d) Doanh nghiệp bảo hiểm từ chối thực hiện nghĩa vụ bồi thường bảo hiểm đã được giao kết.

Trường hợp tái phạm hành vi vi phạm, doanh nghiệp bảo hiểm và các cá nhân bị phạt tiền đổng thời doanh nghiệp bảo hiểm còn bị xem xét áp dụng biện pháp đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc thu hẹp nội dung, phạm vi và địa bàn hoạt động trong Giấy phép thành lập và hoạt động đối với nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới.

Xử phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm

Thực tế, hành vi trục lợi bảo hiểm xe cơ giới ở Việt Nam rất đa dạng như: lập hồ sơ khiếu nại cho một vụ tổn thất không có thật, tự phá hủy tài sản để bồi thường bảo hiểm (dàn dựng tai nạn xe hơi, tự đốt cháy xe...), kê khai thông tin thiếu trung thực (có thể diễn ra ngay từ giai đoạn tiền hợp đồng, hoặc sau khi tai nạn xảy ra) nhằm gia tăng lợi ích, hưởng lợi bất hợp pháp từ doanh nghiệp bảo hiểm, tổn thất rồi mới mua bảo hiểm, thông đồng với gara nâng giá sửa chữa xe, tạo hiện trường giả với vụ tai nạn...

Đối với hành vi trục lợi bảo hiểm hay còn được hiểu là hành vi vi phạm về gian lận trong kinh doanh bảo hiểm mà số tiền trục lợi dưới 20 triệu đồng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Tại khoản 3 Điều 14 Nghị định 98/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 48/2018/NĐ-CP quy định như sau:

- Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm về gian lận trong kinh doanh bảo hiểm mà số tiền chiếm đoạt dưới 20.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại dưới 50.000.000 đồng hoặc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:

a) Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật;

b) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;

c) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm;

d) Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm trừ trường hợp luật quy định khác.”

Qua thống kê cho thấy, vi phạm quy định về BHTNDS chiếm tỷ lệ khá lớn trong số những vi phạm trật tự an toàn giao thông và phần lớn rơi vào các trường hợp như không có BHTNDS, bảo hiểm đã hết hạn, có bảo hiểm nhưng không mang theo khi tham gia giao thông. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu do gười dân chưa quan tâm, chưa nhận thức được ích lợi của BHTNDS, chủ xe chưa nắm được quyền và nghĩa vụ cũng như hồ sơ, thủ tục khi gây tai nạn để được doanh nghiệp bảo hiểm giải quyết nên họ không tham gia. Trong khi đó quy định về thời gian, thủ tục bồi thường hiện nay còn khá phức tạp, nhiều người dân chưa hiểu, chưa nắm rõ quy trình bồi thường thiệt hại khiến một bộ phận người dân không mặn mà với việc mua bảo hiểm.

Nhằm phát huy hiệu quả và quản lý chặt chẽ loại hình bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, Bộ tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP hiện nay. Cùng với Bộ Công an, các Bộ, cơ quan, địa phương, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và DNBH có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới giúp người dân hiểu đúng, hiểu rõ về trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, phân biệt rõ giữa loại hình bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới với các loại hình bảo hiểm tự nguyện khác.

Chúng ta hãy thay đổi tư duy, thay vì bị xử phạt hay tự mình gánh lấy trách nhiệm tài chính nặng nề trong việc bồi thường thiệt hại trong vụ TNGT, ngay lúc này hãy kiểm tra lại bạn đã tham gia bảo hiểm TNDS hay chưa, bảo hiểm TNDS còn hiệu lực hay không. Một thao tác nhỏ, một hành động nhỏ nhưng sẽ bảo vệ bạn trong những trường hợp bất ngờ xảy ra trên đường giao thông. Hãy tham gia bảo hiểm TNDS ngay hôm nay./.

BBT