Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới đã dần tiếp cận đông đảo người dân với những lợi ích mà bảo hiểm mang lại. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng phát sinh mặt trái, đó là tình trạng trục lợi bảo hiểm. Trục lợi bảo hiểm thực hiện bằng nhiều hình thức như làm giả giấy chứng nhận bảo hiểm xe máy, giấy chứng nhận bảo hiểm để trống thông tin, mua bảo hiểm sau khi bị tai nạn hay khai gian tổn thất, thiệt hại do tai nạn giao thông nhằm chiếm đoạt số tiền bảo hiểm. Việc khai gian tổn thất có thể là khai quá mức thiệt hại, cũng có thể tạo hiện trường giả vụ tai nạn giao thông thậm chí tạo ra vụ tai nạn để qua mặt công ty bảo hiểm. Do vậy quy định về công tác giám định thiệt hại có vai trò quan trọng, là cơ sở pháp lý chắc chắn để các bên thực hiện nghĩa vụ của mình trong việc bồi thường thiệt hại, hạn chế những bất đồng, tranh chấp trong việc bồi thương thiệt hại, đồng thời hạn chế được những vụ việc trục lợi bảo hiểm.

Tại điều 11 Thông tư số 22/2016/TT-BTC ngày 16/02/2020 của Bộ tài chính quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc dân sự của chủ xe cơ giới quy định:
Khi xảy ra tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền phải phối hợp chặt chẽ với chủ xe cơ giới, bên thứ ba hoặc người đại diện hợp pháp của các bên liên quan thực hiện việc giám định tổn thất để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất. Kết quả giám định phải lập thành văn bản có chữ ký của các bên liên quan. Doanh nghiệp bảo hiểm chịu trách nhiệm về chi phí giám định.
Trường hợp chủ xe cơ giới không thống nhất về nguyên nhân và mức độ thiệt hại do doanh nghiệp bảo hiểm xác định, hai bên có thể thoả thuận chọn cơ quan giám định độc lập thực hiện việc giám định. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được việc trưng cầu giám định độc lập thì một trong các bên được yêu cầu Toà án nơi xảy ra tổn thất hoặc nơi cư trú của chủ xe cơ giới chỉ định giám định độc lập. Kết luận bằng văn bản của giám định độc lập có giá trị bắt buộc đối với các bên.
Trường hợp kết luận của giám định độc lập khác với kết luận giám định của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả chi phí giám định độc lập. Trường hợp kết luận của giám định độc lập trùng với kết luận giám định của doanh nghiệp bảo hiểm, chủ xe cơ giới phải trả chi phí giám định độc lập.
Trong trường hợp đặc biệt không thể thực hiện được việc giám định, thì doanh nghiệp bảo hiểm được căn cứ vào các biên bản, kết luận của các cơ quan chức năng có thẩm quyền và các tài liệu liên quan để xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại.
Phương Anh