Đèn đỏ giao thông

Tra cứu phương tiện vi phạm giao thông qua hình ảnh

Biển kiểm soát

Loại phương tiện

Mã bảo mật

Tra cứu xe mất đăng ký, biển số, hết niên hạn, mất cắp

Biển kiểm soát

Loại phương tiện

Mã bảo mật

Quảng cáo phải Quảng cáo phải Danh ba dien thoai Chung tay vì an toàn giao thông
Trang chủ / An toàn giao thông
Văn hoá giao thông thời tắc đường
Ngày đăng: 29/04/2009
Có nhiều nguyên nhân gây ra ùn tắc, nhưng một trong những nguyên nhân chính là sự vi phạm pháp luật và sự cẩu thả, thiếu ý thức của những người tham gia giao thông.  

                  

Những ngày này, nếu thử lên tầng 10 của khách sạn Melia Hà Nội, hay khách sạn Caraven của TP HCM và những toà nhà cao tương tự thế của các đô thị lớn trong cả nước, sẽ thấy những hình ảnh thật lạ lùng và đáng ngại.

Những dòng phố ngoằn ngoèo ăm ắp người xe cứ chậm chạp, lờ đờ trôi, nhích dần về phía trước. Những dòng phố người xe này ngày một dài thêm. Hàng nghìn ô tô, hàng vạn xe máy kiên nhẫn, mệt mỏi dịch chuyển. Vài xe chồm lên hè, lách vào những khoảng trống ít ỏi để len lên chút ít và gây thêm cho dòng người xe kia một khoảng ùn đọng. Đường phố như mờ sương bởi khói bụi…

Còn nếu hạ độ cao từ tầng thứ 10 của các khách sạn để xuống mặt đất, ta sẽ hoà vào dòng  đường phố ùn tắc vô tận kia. Xung quanh – tất cả đều ồn ào, đinh tai nhức óc, tiếng máy xe, tiếng còi xe đủ loại cứ inh ỏi, huyên náo, không khí thì đặc sánh mùi khói xăng dầu và bụi. 

Các chiến sĩ áo vàng áo xanh thì ngược xuôi, len lỏi trong dòng người xe cố gắng điều khiển các luồng đường. Thế nhưng nhiều khi dòng người và xe vẫn lấn tới, tràn qua, không để chừa một khoảng cách nào thừa trên phố. Về nhà hay đến cơ quan đúng giờ trong lúc này dường như là vô vọng. Không khí mệt mỏi căng thẳng tới mức dường như chỉ cần một chút va chạm nhẹ là sự cáu kỉnh sẽ bùng phát. May mắn thay chuyện bùng phát ấy cũng ít xảy ra. Một phần là không có khoảng trống nào để cho các bên có thể thể hiện sự cáu giận, nhưng phần khác là ai ai cũng đã quá mệt mỏi trong dòng phố đông nghẹt này.

Ùn tắc đường ở các đô thị đang diễn ra như thế.

Thế nhưng cùng với chuyện ùn tắc ngán ngẩm dường như là thường nhật ấy, trên đường phố còn vô số chuyện diễn ra đối với người và xe – gọi theo ngôn ngữ luật là các đối tượng tham gia giao thông. Phần đông các đối tượng tham gia giao thông này đều cam chịu nối nhau chuyển dịch dần trên đường bởi vì thôi thì trước sau gì cũng đến được đích, cũng về được đến nhà, chỉ có điều chậm hơn dự định ban đầu ít thì nửa tiếng mà nhiều thì vài giờ đồng hồ mà thôi.

Nhưng với một số đối tượng tham gia giao thông thì khác – ít nhất là họ gây khó chịu cho những người khác bằng những hành vi vô lối, bằng sự thiếu văn hoá trong khi tham gia lưu thông, nhiều hơn thì tạo ra những nguy hiểm, những tai nạn lẽ ra là có thể tránh được.

Hung thần nhất trên đường phố là xe buýt. Khi đường ùn tắc thì buýt với ưu thế kềnh càng, luôn cậy thế mà lấy thịt đè người, cứ lấn đường, chen lên, nhích lên một cách thô bạo, bất chấp những xe đang đứng trước và đứng bên.

Còn vào những giờ không phải là cao điểm thì buýt ta đã nghiễm nhiên là chủ đường phố, chạy với tốc độ nhanh, luôn tạt vào bến và lại lao ra giữa đường một cách thản nhiên trước sự cuống cuồng của hàng loạt xe khác phía sau phải đánh lái theo để tránh cú chèn thô bạo của hung thần. Nhiều lúc buýt còn thản nhiên vượt đèn đỏ trước sự kinh hoàng của các loại ôtô xe máy trên đường.

Cùng với hung thần xe buýt, còn có hàng loạt ôtô xe máy với những thương hiệu, biển số khác nhau nườm nượp ngược xuôi trên đường. Và rất nhiều xe cũng tỏ ra không kém cạnh gì. Ta thường xuyên thấy những xe máy thản nhiên vượt đèn đỏ, hay tranh thủ đôi ba phút trước khi đèn giao thông chuyển xanh cho làn đường của mình. Trong khi đó, bên làn đường trước mặt vẫn mang đèn xanh, người xe vẫn lao lên, và cũng tranh thủ thêm những giây cuối cùng để vượt lên, băng qua. Thế là va chạm, thế là tai nạn.

Theo thống kê của Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia, trung bình mỗi ngày cả nước có từ 33 đến 35 người chết vì tai nạn giao thông. Có nghĩa là cứ mỗi  buổi sáng có gần 35 người đi ra đường rồi không bao giờ trở về nhà nữa, mà nằm lại đâu đó trên đường, trong nhà xác của các bệnh viện vì những tai nạn giao thông khủng khiếp.

Cùng với đó còn là những người bị thương, bị tàn phế suốt đời – không những tốn nhiều tiền của để chữa chạy mà sau đó còn là gánh nặng cho chính người bị nạn, cho gia đình và cho cả xã hội vì cả phần cuộc đời tàn tật còn lại. Ấy vậy mà dòng người xe vẫn ào ào xuôi ngược trên đường một cách bất cẩn, cẩu thả, coi thường tính mạng của chính mình và của người khác.

Đáng buồn hơn nữa, có những ông bố bà mẹ mặc dù chở con trên xe, vẫn thản nhiên len lỏi, thản nhiên vượt đèn đỏ, thản nhiên vi phạm luật giao thông đường bộ. Có không ít trường hợp, các ông bố hay bà mẹ, dừng xe trước đèn đỏ nhưng lại lấn vào vạch dành cho người đi bộ, chính cháu bé trên xe đã ngây thơ và trung thực chỉ cho bố mẹ mình nhưng liền bị mắng là chỉ lắm chuyện. Thật buồn cho sự thiếu ý thức chấp hành luật của các vị phụ huynh này và sự phản giáo dục từ những hành động, lời nói của họ.

Lẽ ra đô thị càng phát triển, cuộc sống càng phải văn minh hơn. Tiếc rằng với lĩnh vực an toàn giao thông thì có nhiều vướng mắc. Hơn 80% tai nạn giao thông ở nước ta là do xe máy gây nên.  Thực tế đường quá đông, ùn tắc cũng xảy ra tai nạn, rồi đường thoáng đãng, rộng rãi cũng xảy ra tai nạn. Nguyên nhân chính là phóng xe nhanh, ẩu, không đội mũ bảo hiểm và say rượu khi lái xe.

Thực tế đâu có ai nghĩ rằng vào ngày hôm nay gia đình mình sẽ có một người có tên trong danh sách những người không bao giờ trở lại với cuộc sống nữa, cũng đâu có ai nghĩ rằng từ hôm nay, một thành viên trong gia đình mình sẽ vĩnh viễn tàn phế, vĩnh viễn bất động trên giường hay trên chiếc xe lăn. Thế nhưng tình cảnh ấy có thể xảy ra với bất cứ gia đình nào, vào bất cứ lúc nào nếu ta vi phạm pháp luật về giao thông, nếu ta không cẩn thận khi đi ra ngoài đường. Có lẽ chỉ những ai gặp cảnh ngộ ấy mới thật sự thấm thía điều An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi người, mọi nhà. Thế nhưng đến lúc hiểu được điều đó thì mọi điều đều đã quá muộn.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, tai nạn giao thông là “kẻ sát nhân tàn bạo nhất”, hơn cả căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, mỗi năm thế giới có khoảng 1,2 triệu người chết vì tai nạn giao thông đường bộ và hàng chục triệu người bị thương, bị tàn tật suốt đời, trong đó có 40% là thanh niên từ 15 tuổi đến 25 tuổi.

Thiệt hại từ các vụ tai nạn giao thông này từ tài sản, chi phí y tế cho đến các chi phí khác lên đến 518 tỉ USD. Ngoài những thiệt hại khổng lồ về kinh tế, TNGT còn gây nên những chấn động tâm lý lâu dài đối với nhiều người. Nếu trong một địa phương hay một quốc gia xảy ra quá nhiều tai nạn giao thông thì sẽ gây nên hiện tượng bất an cho người dân ở đó./.