Tham dự hội nghị có Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng và Trung tá Đinh Thế Anh, Phó Cục trưởng cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc Cục CSGT.
Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 điều chỉnh 2 lĩnh vực là an toàn giao và đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, luật năm 2008 không quy định cơ quan nào phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân về an toàn giao thông?
Mục tiêu cơ bản và lớn nhất của việc xây dựng Luật là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, bảo vệ quyền con người, bám sát chủ trương, quan điểm của Đảng xác định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là một nội dung của bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội

Khi nghiên cứu xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, An toàn giao thông đường bộ, Cục CSGT đã dựa trên công ước quốc tế và nghiên cứu hệ thống pháp luật của một số nước và thấy rằng để thay đổi hành vi con người là vấn đề khó, cần nhiều thời gian. Luật Bảo đảm trật tự, An toàn giao thông đường bộ được xây dựng trên nguyên tắc đặt con người là trung tâm, Đại tá Bình nhấn mạnh.
Nói về các đề xuất mới, Đại tá Đỗ Thanh Bình cho rằng: “Bộ Công an cam kết chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân về an toàn giao thông. CSGT cũng phải nâng cao năng lực của mình, ý thức và thái độ phục vụ nhân dân….". Cục CSGT đã làm việc với cảnh sát nước ngoài và được tư vấn muốn làm văn hóa, an toàn giao thông tốt hơn phải thay đổi mạnh mẽ trách nhiệm, gắn trách nhiệm cụ thể.
Về việc Chính phủ đề xuất giao Bộ Công an quy định việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe, Cục CSGT cho biết, việc đề xuất này để đảm bảo tính hợp lý, đồng bộ và thống nhất, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, bảo vệ tính mạng, tài sản, bảo vệ con người, khắc phục những bất cập hiện nay.
Công tác quản lý đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe cũng sẽ có nhiều điểm mới, ưu tiên sử dụng công nghệ để quản lý chặt một người từ quá trình đào tạo, sát hạch cho đến khi điều khiển phương tiện trên đường. "Xem anh ta vi phạm bao nhiêu lần, gây tai nạn bao nhiêu lần... từ đó mới đánh giá thực chất được thời gian lái xe an toàn của một người, thích hợp cho việc nâng hạng giấy phép lái xe", Đại tá Bình nói.
Trước lo lắng của một số người về bố trí công ăn việc làm cho các sát hạch viên sau khi chuyển nhiệm vụ sát hạch sang Bộ Công an, Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết, hiện nay cả nước có 1.655 sát hạch viên. Các sát hạch viên đều kiêm nhiệm công việc khác, không có biên chế riêng. Hiện chỉ có 650 cán bộ, công chức chuyên trách làm công tác quản lý việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe tại Vụ Quản lý phương tiện và người lái thuộc Tổng cục Đường bộ cùng 63 phòng thuộc Sở GTVT các địa phương. Trong đó, có 600 người được cấp thẻ sát hạch viên.
Chính vì vậy, khi chuyển giao nhiệm vụ sang Bộ Công an, về biên chế chỉ cần sắp xếp liên quan 650 cán bộ nói trên, việc bố trí lại nhiệm vụ sẽ không gặp khó khăn.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về băn khoăn nếu Bộ Công an vừa sát hạch, cấp bằng và xử lý vi phạm thì có xảy ra tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi", đại tá Bình cho rằng xử lý vi phạm giao thông đều qua hình ảnh và sự giám sát của nhân dân, được công khai, minh bạch trên hệ thống và trong khuôn khổ của pháp luật quy định. Vì vậy không có chuyện “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
Mặt khác, sắp tới đây, việc xử phạt của cảnh sát sẽ được lưu giữ bằng dữ liệu điện tử.
Minh Hải