Phí bảo hiểm là khoản tiền mà chủ xe cơ giới phải thanh toán cho doanh nghiệp bảo hiểm khi mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Tuy nhiên Nghị định số 03/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2021 quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới chỉ quy định về việc tăng phí bảo hiểm. Căn cứ vào lịch sử tai nạn của từng xe cơ giới và năng lực chấp nhận rủi ro của mình, doanh nghiệp bảo hiểm chủ động xem xét, điều chỉnh tăng phí bảo hiểm. Mức tăng phí bảo hiểm tối đa là 15% tính trên phí Bảo hiểm do Bộ Tài chính quy định. Điều này khiến người mua bảo hiểm có chút lăn tăn về quyền lợi của mình khi phí bảo hiểm chỉ có chiều tăng, rủi ro càng cao, nguy cơ tai nạn càng nhiều thì phí bảo hiểm lại càng cao. Trong khi đó thực tế luôn có hai dòng diễn biến, đó là xe hiếm khi gặp va chạm, tai nạn thậm chí cả hành trình hàng chục nghìn km xe vẫn luôn đảm bảo an toàn, nhưng người chủ phương tiện vẫn phải đóng phí bảo hiểm bằng với những phương tiện khác.
So với Nghị định số 03/2021/NĐ-CP, Nghị định 67/2023/NĐ-CP cho phép điều chỉnh phí bảo hiểm bắt buộc theo cả hai chiều tăng và giảm. Cụ thể, tại Điều 8, căn cứ vào lịch sử bồi thường bảo hiểm của từng xe cơ giới hoặc lịch sử gây tai nạn của chủ xe cơ giới, doanh nghiệp bảo hiểm chủ động xem xét, điều chỉnh tăng - giảm phí bảo hiểm; mức tăng - giảm tối đa là 15% tính trên mức phí bảo hiểm quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị định 67/2023/NĐ-CP.
Việc cho phép doanh nghiệp bảo hiểm điều chỉnh phí bảo hiểm bắt buộc theo cả hai chiều là một chuyển biến tích cực về mặt chính sách, giúp nâng cao ý thức giữ gìn xe của chủ tài sản, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng. Sau nhiều mong đợi, khách hàng sẽ không còn lăn tăn nữa, khách hàng sẽ được hưởng mức phí hợp lý hơn dựa trên mức độ rủi ro, tức là khách hàng ít yêu cầu bồi thường hơn, lái xe an toàn hơn… thì sẽ được giảm phí nhiều hơn. Việc sử dụng nhiều thông tin khác nhau để tính phí bảo hiểm là phù hợp nhằm mang đến một mức phí cạnh tranh hơn cho từng khách hàng.
Vì những ưu điểm đó, quy định mới nhận được sự hưởng ứng tích cự của nhiều đại lý và khách hàng bởi cách tính phí hợp lý hơn, trong khi chất lượng dịch vụ vẫn được duy trì, thậm chí tốt hơn trước nhờ áp dụng công nghệ trong quy trình bồi thường. Điều này cũng thể hiện sự công bằng, khách hàng nào lái xe an toàn sẽ được hưởng mức phí thấp hơn và ngược lại, nếu lái xe thiếu an toàn, gây nhiều tai nạn dẫn đến đòi bồi thường nhiều sẽ phải trả phí bảo hiểm cao hơn.
Theo Phụ lục 1, phí bảo hiểm đối với xe máy dung tích dưới 50 cc và xe máy điện là 55.000 đồng/xe/năm, từ 50 cc trở lên là 60.000 đồng/xe/năm. Với ô tô không kinh doanh vận tải, phí bảo hiểm bắt buộc dao động từ 437.000 đồng/xe/năm đến hơn 1,8 triệu đồng/xe/năm tùy số chỗ. Với ô tô kinh doanh vận tải, phí bảo hiểm bắt buộc dao động từ 756.000 đồng/xe/năm đến hơn 4,8 triệu đồng/xe/năm đối với xe 25 chỗ trở xuống, nhiều hơn 25 chỗ có mức phí cao hơn. Xe tải chở hàng có phí bảo hiểm bắt buộc từ 853.000 đồng/xe/năm đến 3,2 triệu đồng/xe/năm.
Như vậy, mức tăng - giảm phí bảo hiểm bắt buộc với ô tô không kinh doanh vận tải thấp nhất là hơn 65.000 đồng/xe/năm và cao nhất là 270.000 đồng/xe/năm. Với ô tô vận tải, mức tăng - giảm phí thấp nhất là hơn 113.000 đồng/xe/năm và cao nhất là 720.000 đồng/xe/năm.
Minh Hằng