Theo quan sát của phóng viên, tình trạng chở hàng cồng kềnh không chỉ diễn ra trên các tuyến đường ngoại ô mà còn khá phổ biến tại các tuyến phố ở trung tâm thành phố. Người điều khiển các phương tiện này đa phần là những người dân lao động có thu nhập thấp, cuộc sống mưu sinh khó khăn và vất vả. Họ sẵn sàng bất chấp nguy hiểm của bản thân, chở quá số lượng hàng hóa quy định cho phép để có những có những thù lao gấp đôi hay gấp ba ban đầu. Nhưng đây lại là hành vi nguy hiểm, xem thường tính mạng, sức khoẻ của chính mình và người đi đường.
Theo điểm k, khoản 3, điều 6, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, người điều khiển xe hoặc người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt súc vật, mang vác vật cồng kềnh; người được chở trên xe đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác.
Theo báo cáo của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hải Phòng, chỉ trong 11 tháng năm 2020, đơn vị đã kiểm tra và xử lý 2.662 trường hợp vi phạm (trong đó 1.474 trường hợp chở hàng cồng kềnh, 1.188 trường hợp kéo đẩy).
Nhằm ngăn chặn những tiềm ẩn mất ATGT từ các phương tiện này gây ra, đặc biệt trong đợt cao điểm bảo đảm TTATGT phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Tết Dương lịch, Tết nguyên đán Tân Sửu 2021, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hải Phòng sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý đối với lỗi vi phạm chở hàng hoá cồng kềnh, nhằm đảm bảo cho người và phương tiện tham gia giao thông được thuận lợi, an toàn.
Cao Sơn